QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 23/2015/HS-GĐT NGÀY 17-12-2015 VỀ VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHAN VĂN TRƯỜNG, NGUYỄN VĂN ĐÔNG, PHAN BÁ CƯỜNG VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

...

Ngày 17 tháng 12 năm 2015, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

1.      Phan Văn Trường, sinh năm 1981; đăng ký nhân khẩu thường trú tại xóm Vĩnh Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa 9/12; con ông Phan Văn Nhự và bà Nguyễn Thị Mỳ; có vợ và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 07-7-2013;

2.      Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1991; đăng ký nhân khẩu thường trú tại xóm Vĩnh Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: sinh viên; trình dộ văn hóa 12/12; con ông Nguyễn Văn Quang và bà Đặng Thị Thành; tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 07-7-2013;

3.      Phan Bá Cường, sinh năm 1983; đăng ký nhân khẩu thường trú tại xóm Vĩnh Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa 02/12; con ông Phan Bá Phương và bà Phạm Thị Lâm (đã chết); có vợ và 01 con; tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 12-7-2013;

Người bị hại: anh Chu Văn Nghĩa, sinh năm 1989 (đã chết).

Đại diện hợp pháp của người bị hại: anh Chu Văn Ngọc (là anh trai của người bị hại Nghĩa); trú tại: xóm Đồng Bản, xã Kim Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An.

NHẬN THẤY

Khoảng cuối tháng 3-2013, tại Lâm trường Đường 9 thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, có nhiều người quê ở Nghệ An tự lập thành các tổ để vào rừng tràm chặt gỗ thuê cho Lâm trường. Trong đó, tổ nhân công do Phan Văn Trường đứng đầu gồm: Phan Văn Dương, Phan Văn Diệu, Nguyễn Văn Đồng, Phan Bá Cường, Nguyễn Vĩnh Oai, Phạm Văn Quỳnh, Phan Văn Hoàng; tổ nhân công do anh Nguyễn Công Thanh đứng đầu gồm: Chu Văn Nghĩa, Dương Công Hùng, Trần Nhân Bình, Đinh Bạt Thành, Lê Văn Thủy, Trần Hữu Phượng. Để thuận tiện cho công việc chặt gỗ, cũng như sinh hoạt hàng ngày thì các tổ nhân công này tự lập các lán trại ngay trong khu vực rừng đang khai thác để ở.

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 06-7-2013, tại khu vực lán trại của tổ anh Nguyễn Công Thanh tổ chức uống rượu, trong số 12 người tham gia uống rượu có Trường, Cường và một số anh em của tổ khác cùng tham gia. Khoảng hơn 20 giờ cùng ngày thì một số người tham gia uống rượu ra về, còn lại các anh Thanh, Nghĩa, Phượng, Thủy cùng với Trường, Cường tiếp tục uống rượu. Trong quá trình ăn nhậu, Trường đã ép anh Nghĩa uống rượu và khi bị anh Nghĩa từ chối thì Trường bức xúc cầm bình rượu ném ra phía góc bếp, thấy vậy anh Nghĩa nói: “không uống thì để người khác uống, ở đây mua rượu khó khăn”, đồng thời giữa anh Nghĩa và Trường có lời qua tiếng lại với nhau dẫn đến việc anh Nghĩa đã dùng tay đấm vào tai trái của Trường, hai người tiếp tục xô đẩy nhau, nhưng được mọi người trong lán của anh Thanh ngăn lại. Bực tức vì bị đánh, Trường đã nói Cường chạy về lán của tổ mình để gọi người trong tổ của mình cầm dao rựa sang đánh trả thù. Nghe lời của Trường, Cường chạy về lán trại của tổ mình và gọi: “anh em cầm dao, rựa sang chém hai thằng Kim Thành đánh anh Trường”. Lúc này những người có mặt trong lán gồm có: Đồng, Diệu, Dương mỗi người lấy 01 cây dao rựa rồi cùng đi theo Cường; Quỳnh và Oai tay không đi theo; bản thân Cường cầm 01 con dao mũi bằng, trên đường đi Dương dùng dao chặt 02 cây gậy gỗ dài khoảng 01 m đưa cho Quỳnh và Oai để cùng sang lán của tổ anh Thanh đánh nhau. Trên đường đi, Cường nói: “qua tìm hai thằng Kim Thành để đập, vô đây làm không thể để hai đứa đó đập nhục như rứa được, sang đánh bọn Kim Thành, Thanh mà lằng nhằng thì chém Thanh luôn, chém chết tao chịu trách nhiệm”.

Trong khi Cường về lán gọi người, thì Trường cũng đi bộ bỏ về, anh Thanh lấy xe máy đi theo nói đưa Trường về nhưng Trường không đồng ý, lúc này Trường gặp 06 người từ lán của mình đang cầm dao, rựa đi sang; thấy vậy, anh Thanh đã giải thích và can ngăn nhưng Trường nói: chúng đánh tau ù tai rồi, bây xuống đánh quân đó cho tau. Không can ngăn được nhóm người trong tổ của Trường, nên anh Thanh chạy xe về lán của tổ mình và nói mọi người đi trốn, đồng thời nói mọi người chỉ cầm cây để thủ chứ không được dùng dao, mọi người trong nhóm của anh Thanh đều cầm gậy gỗ đi nấp, riêng anh Nghĩa cầm dao rựa đi nấp.

Khi nhóm người của Trường đi gần đến lán của anh Thanh thì gặp anh Phượng, anh Phượng đã can ngăn và nói lời xin lỗi, nhưng Cường nói: “kêu hai thằng Kim Thành ra xin lỗi cố Trường”, rồi cả nhóm tiếp tục đi vào lán trại của tổ anh Thanh. Cường, Oai, Quỳnh đứng trước lán, còn Dương, Diệu, Đồng cầm rựa đi vào trong lán, thấy anh Thanh, Đồng nói: “răng anh em cùng xã mời ra uống rượu lại đánh nhau”. Dương nói: “răng để người đánh bác Trường đau thế”, Diệu hỏi tiếp: “hai thằng Kim Thành mô rồi?”. Anh Thanh nói: “anh em uống mấy ly rượu xích mích nhau”. Lúc này Bình ra khỏi chỗ nấp thì Cường nhìn thấy và nói: “thằng Bình, răng lúc nãy mi định cầm thớt đánh cố Trường” nghe Cường nói như vậy thì Diệu liền đi đến tát 02 cái vào mặt Bình, Đồng tát 01 cái vào mặt Bình. Dương cầm 01 cây dao rựa cũng tiến đến thì bị Bình nắm cây dao rựa trên tay Dương giăng co để lấy. Lúc này anh Nghĩa cầm cây dao rựa đi ra khỏi chỗ nấp; nhìn thấy anh Nghĩa, Đồng liền cầm cây dao rựa tiến đến gần anh Nghĩa, Đồng và anh Nghĩa đồng thời dùng rựa chém nhau, do Anh Nghĩa đứng ở vị trí cao hơn vị trí Đồng đứng khoảng 70cm nên lưỡi dao rựa của anh Nghĩa chỉ chém trúng vào ngón tay cái bàn tay phải của Đồng, còn lưỡi rựa của Đồng chém trúng vào ngực trái của anh Nghĩa làm anh Nghĩa bị thương. Thấy anh Nghĩa bị thương bỏ chạy, Cường đứng ở gần đó đã cầm 01 cây dao ném theo trúng lưng phía bên phải của anh Nghĩa. Anh Nghĩa chạy thêm được một đoạn thì gục ngã và bị chết trên đường đi cấp cứu.

Tại Bản kết luận giám định pháp y số 109/2013/PY ngày 07-7-2013, Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị kết luận: anh Chu Văn Nghĩa chết do vết thương ngực hở, vết thương tim.

Cáo trạng số 07/KSĐT-TA ngày 25-01-2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã truy tố Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đồng và Phan Bá Cường về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2014/HSST ngày 25-02-1014 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị áp dụng khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt: Phan Văn Trường 08 năm tù, Nguyễn Văn Đồng 08 năm tù, Phan Bá Cường 07 năm tù cùng về tội giết người. Về trách nhiệm dân sự: các bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận là 172.000.000 đồng (các bị cáo và gia đình đã bồi thường được 62.000.000 đồng tiền mai táng phí), còn 110.000.000 đồng tiền tổn thất tinh thần các bị cáo phải tiếp tục bồi thường theo phần mỗi bị cáo là 36.667.000 đồng.

Ngày 05-3-2014, anh Chu Văn Ngọc là nguời đại diện hợp pháp của người bị hại có giấy bãi nại với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt cho Phan Bá Cường.

Ngày 08-3-2014, anh Chu Văn Ngọc là người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo, tăng mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu xem xét lại các đồng phạm để vụ án không bỏ lọt tội phạm.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm sổ 250/2014/HSPT ngày 16-7-2014, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của anh Chu Văn Ngọc, giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 35A/2015/KN-HS ngày 29-5-2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 250/2014/HSPT ngày 16-7-2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2014/HSST ngày 25-02-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đồng, Phan Bá Cường; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY

Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt giữa Phan Văn Trường và anh Chu Văn Nghĩa đã có xô xát. Sự việc được mọi người can ngăn nhưng Trường lại chỉ đạo Phan Bá Cường về lán trại của tổ mình để gọi mọi người cầm hung khí đi sang chém, đánh người trong tổ của anh Nguyễn Công Thanh. Theo chỉ đạo của Trường, Cường đã chạy về lán và gọi Phan Văn Dương, Phan Văn Diệu, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Vĩnh Oai, Phạm Văn Quỳnh cầm theo dao, rựa, gậy sang đánh người trong tổ của anh Thanh. Khi đến gần khu vực lán trại của tổ anh Thanh, mặc dù đã được anh Thanh và anh Trần Hữu Phượng can ngăn, xin lỗi nhưng các bị cáo không nghe, vẫn tiếp tục cầm dao rựa, gậy hô hào, kích động tiến về lán của anh Thanh tìm người để đánh. Hậu quả làm anh Chu Văn Nghĩa bị chém trọng thương và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp có tính chất côn đồ (chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, đã được xin lỗi, can ngăn nhưng vẫn quyết tâm hiện hành vi phạm tội) được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm lại truy tố, xét xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự là không đúng, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có sự tham gia của Phan Văn Dương, Phan Văn Diệu, Nguyễn Vĩnh Oai, Phạm Văn Quỳnh. Mặc dù không có sự bàn bạc, thống nhất từ trước, nhưng khi nghe Phan Bá Cường hô hào “Anh em cầm dao, rựa sang chém hai thằng quê Kim Thành đánh anh Trường” thì Dương, Diệu, Oai, Quỳnh đã hành động rất tích cực, cùng cầm theo dao, dựa, gậy đi theo hô hào, kích động tìm người để đánh, uy hiếp những người khác là hành vi giúp sức, có dấu hiệu đồng phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi của Dương, Diệu, Oai và Quỳnh để xem xét trách nhiệm hình sự là chưa triệt để, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bản án phúc thẩm không phát hiện ra những sai sót của cấp sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm là không đúng. Do đó cần phải xem xét lại để làm rõ ý thức chủ quan của các đối tuợng này.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 250/2014/HSPT ngày 16-7-2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và Bản án hình sự sơ thẩm số 07/2014/HSST ngày 25-02-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đồng, Phan Bá Cường để điều tra lại.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tiếp tục tạm giam các bị cáo Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đồng, Phan Bá Cường cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án./. 

 

Tên bản án

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 23/2015/HS-GĐT NGÀY 17-12-2015 VỀ VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHAN VĂN TRƯỜNG, NGUYỄN VĂN ĐÔNG, PHAN BÁ CƯỜNG VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Số hiệu Ngày xét xử
Bình luận án